Hội thảo tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 6 năm Ngày UNESCO vinh danh di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (1/12/2016-1/12/2022),
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Phạm Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã khẳng định, Duy Tiên là vùng đất có nhiều di tích lịch sử-văn hóa có giá trị, cũng là vùng đất của rất nhiều lễ hội. Trong đó, hội đình, đền tiêu biểu nhất là Lễ hội đền Lảnh Giang - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức 2 kỳ trong năm (từ ngày 18-25 tháng sáu và tháng tám âm lịch).
Lễ hội nhằm biểu dương, tôn vinh công lao phò tá Vua Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục, giữ yên bờ cõi Văn Lang của 3 vị thủy thần và tri ân công đức của vợ chồng công chúa Tiên Dung-Chử Đồng Tử.
Cùng sự độc đáo của Lễ hội, đền Lảnh Giang còn được cả nước biết đến bởi nơi đây là một trong 3 trung tâm thờ Mẫu chính của Hà Nam, nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy Nghi lễ chầu văn - một hình thức biểu đạt văn hóa, tín ngưỡng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Lảnh Giang trong kỷ nguyên số” được tổ chức với sự tham gia của các vị lãnh đạo, các nhà khoa học có bề dày nghiên cứu và uy tín, là một bảo đảm chắc chắn cho những vấn đề nêu ra và lý giải; là niềm tự hào đối với cán bộ và nhân dân thị xã Duy Tiên, cổ vũ Duy Tiên tiếp tục phấn đấu đưa thị xã phát triển nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Lảnh Giang trong kỷ nguyên số”, hội thảo thu hút 35 bản tham luận của các nhà nghiên cứu về những giá trị cả văn hóa hữu thể và văn hóa phi vật thể của di tích đền Lảnh Giang.
Nhiều tham luận trong đó được trình bày tại hội thảo như: Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội đền Lảnh Giang - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong Kỷ nguyên số; Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Lảnh Giang với sự phát triển du lịch Hà Nam - Tiềm năng và hướng phát triển trong kỷ nguyên số; số hóa hoạt động quảng bá việc thực hành tín ngưỡng và du lịch đền Lảnh Giang - Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong kỷ nguyên số…
Tổng kết Hội thảo, TS Phạm Việt Long, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển đánh giá, Hội thảo đã giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện, sâu sắc và đánh giá đúng giá trị của đền Lảnh Giang, từ đó nêu ra những khuyến nghị hợp lý. Điểm đặc biệt, mới mẻ của Hội thảo là đặt di tích trong bối cảnh kỷ nguyên số.
Các đại biểu dự Hội thảo đều nhất trí kiến nghị các cơ quan có chức năng nâng cấp xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Lảnh Giang là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt.