Đền Lảnh Giang (tên chữ là Lãnh Giang linh từ), nhân dân quen gọi là Đền Lảnh hay Đền Quan Lớn Đệ Tam. Tương truyền, khu vực này là chỗ giao nhau của sông Hồng với nhánh sông Lảnh tạo thành một vòng xoáy nước chảy xiết, thuyền bè buôn bán qua lại đây hay bị đắm. Người dân qua lại làm lễ cầu xin ở ngôi đền bên sông thấy linh ứng, thuyền bè qua đây đều lên đền thắp hương xin thần linh phù hộ.
Căn cứ vào thần tích, đền Lảnh Giang thờ ba vị tướng (thủy thần) thời Hùng Vương, được nhân dân tôn là Quan lớn Đệ Tam và thờ vợ chồng công chúa Tiên Dung – Chử Đồng Tử.
Trước đây, lễ hội Đền Lảnh Giang được tổ chức hai kỳ/năm (ngày 18 – 25 tháng Sáu và ngày 18 – 25 tháng Tám Âm lịch). Lễ hội nhằm biểu dương, tôn vinh công lao phò tá Vua Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục, giữ yên bờ cõi Văn Lang của ba vị thủy thần và tri ân công đức của vợ chồng công chúa Tiên Dung - Chử Đồng Tử. Các kỳ diễn ra lễ hội là thời kỳ cao điểm của con nước sông Hồng, đe dọa ngập lụt, mất mùa nên nhân dân tổ chức lễ hội để cúng tế, cầu mong thủy thần giúp dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì thế, lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân trồng lúa nước vùng châu thổ sông Hồng với những nghi lễ như lễ cáo yết, lễ rước nước, lễ rước kiệu, lễ tế, bơi chải... Mặt khác, với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, các vị thủy thần được thờ tại đền Lảnh Giang đã được hội nhập vào hệ thống thần điện của tín ngưỡng này với tư cách là các vị Quan lớn, mà cụ thể ở đây là Quan Lớn Đệ Tam.
Theo các cụ già kể lại, trước kia lễ hội tháng Sáu dành cho khách thập phương, lễ hội tháng Tám là lễ hội chính. Năm 1996, Đền Lảnh Giang được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia nên cộng đồng và chính quyền xã Mộc Nam đã quyết định tổ chức lại lễ hội sau thời gian dài gián đoạn, cộng đồng phục dựng các nghi lễ truyền thống của lễ hội tháng Tám để tổ chức lễ hội vào tháng Sáu. Hiện nay, lễ hội tháng Sáu được người dân coi là lễ hội chính, lễ hội tháng Tám nhân dân chỉ làm lễ dâng hương, tế tạ.
Để chuẩn bị cho lễ hội, người dân thôn Yên Lạc và nhân dân xã Mộc Nam đã chuẩn bị từ vài tháng trước đó. Việc thực hành các nghi lễ chủ yếu do thủ nhang đền và các vị cao niên trong thôn Yên Lạc được dân tín nhiệm bầu ra. Để có đội hình rước nước, rước kiệu, mỗi dòng họ và đoàn thể trong các thôn tự nhận trách nhiệm và phân công nhau vào các đội hình của đám rước. Cộng đồng tự nguyện và tự giác sắp xếp, tập luyện trước khi lễ hội diễn ra.
Lễ vật dâng cúng lên thần có ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng với người dân Yên Lạc. Trước đây, lễ vật gồm những sản vật của địa phương, được người dân lựa chọn như: vàng hương, trầu rượu, hoa quả, bánh chưng, bánh dày, mâm xôi sỏ lợn đen thiến, oản, thịt lợn đen thiến, thịt dê, xôi gà, cỗ chay… Lựa chọn lễ vật với tư duy cân bằng âm – dương, mấu chốt của sự sinh sôi, phồn thịnh. Con lợn dùng làm lễ vật được giao cho một gia đình trong thôn chăm sóc: nuôi riêng, ăn thức ăn sạch, tắm cho lợn hàng ngày. Việc chăm sóc lợn cúng được làng giao lần lượt cho các gia đình trong thôn vì người dân quan niệm nhà nào được chọn năm ấy là được thánh bảo hộ, được hưởng nhiều lộc.
Ngày nay, ngoài hương, hoa, quả, đăng, thuốc lá, rượu, vàng hương, đồ mã, lễ vật đặc biệt được dâng lên thần vào ngày khai hội là một con lợn quay. Lễ mặn dùng cho lễ tế thần gồm một mâm xôi, một con cá chép rán, một thủ lợn và một con gà trống thiến. Lễ vật ngày nay có phần đa dạng hơn, không còn mang tính quy phạm như trước và được thủ nhang đền Lảnh Giang cùng trưởng các dòng họ phân công chuẩn bị.
Kinh phí tổ chức lễ hội được trích từ nguồn tiền công đức của khách thập phương thu được hàng năm của đền Lảnh Giang và do cộng đồng, khách thập phương cúng tiến.
Các nghi lễ trong lễ hội đền Lảnh Giang hiện nay được diễn ra với trình tự như sau:
- Lễ cáo yết xin thần linh cho mở hội diễn ra vào ngày 30 tháng Năm, do ông thủ nhang chủ trì với sự tham gia của các cụ cao niên thôn Yên Lạc tại Cung đệ nhị (hay còn gọi là tòa Trung Đường).
- Lễ rước nước: diễn ra vào sáng ngày mùng 1 tháng Sáu. Đoàn rước gồm đội múa rồng và kỳ lân, đội bát âm, múa sênh tiền, đội bát bửu, tàn, lọng, kiệu rước nước do 8 cô gái khiêng, kiệu Quan Lớn do nam giới đảm nhiệm, trống, đội tế nam, dân làng Yên Lạc, thanh đồng các nơi và du khách thập phương. Đoàn rước xuất phát từ đền Lảnh Giang, ra bờ sông đoàn làm lễ tế Long Vương. Lễ vật gồm: xôi, gà trống thiến, cá chép rán và thủ lợn. Thủ nhang mời các vị thần linh về chứng giám, xin Long Vương cấp nước về thờ tại đền. Sau khi xin âm dương và hóa sớ, đoàn rước xuống thuyền ra giữa dòng lấy nước. Thuyền đến giữa dòng thì dừng lại, một vòng tròn được đưa xuống mặt nước, thủ nhang lấy gáo dừa thếp vàng múc nước vào 2 chóe, tay múc nước miệng khấn xin cấp nước. Khi đầy 2 chóe nước, đoàn thuyền đi vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh nơi múc nước một vòng rồi mới trở về bến sông, đoàn rước đưa nước về đền Lảnh Giang để thờ.
- Lễ rước kiệu diễn ra vào mùng 2 tháng Sáu. Sáng sớm, nhân dân tổ chức rước kiệu từ đền Lảnh vào đền Mẫu để rước chân nhang Mẫu thân của Tiên Dung là Nhân Từ Hoàng Hậu về đền dự hội. Đoàn rước gồm: đội múa rồng, đội cờ hội, đội trống sấm, đội chiêng, đội nhạc, kiệu cỗ, đội mang lễ vật, kiệu song hành, đội múa sênh tiền, đội kèn rước, đội trống rước nữ, đội khiêng kiệu Mẫu, đội đóng đồng chầu Cô, đội dâng hương, đội trống nam, kiệu long đình, đội rước cờ hội, đội rước lọng, tán, tàn..., đội đồng Quan Lớn, đội kiệu bát cống, đội rước bát bửu, đội tế, và cuối cùng là nhân dân trong vùng và du khách thập phương... Đến đền Mẫu, thủ nhang đền Lảnh Giang và các vị cao niên làm lễ bái yết Mẫu. Sau đó, đoàn rước chân nhang Mẫu quay trở lại đền Lảnh. Thủ nhang và nhân dân tiến hành dâng lễ vật, khai mạc lễ hội và thực hiện nghi thức dâng hương.
- Lễ tế diễn ra vào mùng 3 tháng Sáu, gồm: sơ hiến lễ, á hiến lễ, chung hiến lễ và lễ tất.
Mùng 4 dân làng làm lễ rước Mẫu hồi cung, được coi là kết thúc lễ hội nhưng lại mở đầu cho các nghi lễ hầu thánh tại Đền Lảnh Giang của con nhang đệ tử ở đền và đông đảo các căn đồng đến từ khắp nơi trên cả nước như: Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh...
Ngoài các nghi thức tế lễ, người dân còn tổ chức các trò chơi dân gian để cộng đồng cùng tham gia như: đi cầu khỉ, trò bắt vịt dưới ao, trò đẩy gậy…
Cuối tháng Sáu (ngày 24) là ngày chính tiệc của Quan lớn Đệ Tam, thủ nhang đền Lảnh Giang tổ chức diễn xướng hầu thánh (hầu đồng) để đón tiệc từ sáng sớm. Du khách từ khắp nơi về tham quan, hành lễ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thầy đồng về đền Lảnh thực hành nghi lễ hầu bóng để tri ân công đức của thánh và cầu xin những điều may mắn cho bản thân và gia quyến. Ngày 25, người dân Yên Lạc làm lễ tạ thánh.
Lễ hội đền Lảnh Giang nhằm ghi nhớ những người có công dẹp giặc trong lịch sử dân tộc, biểu tượng cho sức mạnh khai phá đầm lầy, bảo trợ cho ngư nghiệp và nông nghiệp của vùng hạ châu thổ sông Hồng. Nghi lễ là sự tái hiện các lớp trầm tích văn hóa, sự kế thừa và phát huy giá trị của tín ngưỡng cư dân vùng hạ châu thổ sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính đặc trưng của cư dân vùng ven sông Hồng, phản ánh những trang lịch sử của dân tộc ta thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Đồng thời, phản ánh quá trình tiếp biến văn hóa, sự sáng tạo văn hóa của nhân dân qua các thời kỳ lịch sử. Lễ hội là dịp giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tạo dựng môi trường giao lưu và gắn kết cộng đồng, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cộng đồng dân cư, giải tỏa những lo âu, mệt mỏi của cuộc sống thường ngày và gửi gắm ước vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội đền Lảnh Giang được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2017.